Công bố khoa học

  • Nguyễn Thị Ái My, Huỳnh Thị Tuyết Hằng – SV lớp D20V01A - Sinh viên khoa Quản trị Đánh giá tác động của TikTok đến sinh viên Trường Đại Học Kinh Tế - Kỹ Thuật Bình Dương
    Tóm tắt: Trong những năm gần đây, Tik Tok là một ứng dụng rất phổ biến và có xuất xứ từ Trung Quốc. Tik Tok thu hút nhiều người dùng bởi đặc trưng là những đoạn video có thời lượng ngắn, nội dung súc tích và không giới hạn đối tượng sử dụng. Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả đã tiến hành phân tích 200 phiếu khảo sát online từ sinh viên đại diện 6 khoa tại trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương. Đồng thời, đánh giá sự tác động của Tik Tok đến sinh viên của trường trên 4 khía cạnh: Nhận thức; Tài chính; Sức khỏe - Làm đẹp; Kết quả học tập. Kết quả nghiên cứu nhằm đưa ra các giải pháp để khắc phục hoặc hạn chế thấp nhất những tiêu cực mà Tik Tok tác động đến sinh viên. Nhóm tác giả góp phần giúp nhà trường và sinh viên có những đổi mới về việc sử dụng Tik Tok một cách tích cực hơn và phục vụ cho những nghiên cứu sau này.
  • Nông Thị Thu Hương, Đặng Thị Hoa Lan – Lớp D20V01A - Sinh viên khoa Quản trị Các nhân tố ảnh hưởng đến ý định mua sắm trực tuyến trên trang thương mại điện tử của sinh viên Trường Đại Học Kinh Tế - Kỹ Thuật Bình Dương
    Tóm tắt: Sự phát triển của các trang TMĐT ngày càng phổ biến trong thế hệ các bạn trẻ sinh viên hiện nay và đang ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng của đối tượng này. Sinh viên cũng là nhóm đối tượng được các nhà bán hàng hướng tới vì đây là thế hệ trẻ, là tương lai của nền kinh tế nước nhà. Mục tiêu của việc thực hiện nghiên cứu này là đưa ra được các nhân tố chính ảnh hưởng đến ý định mua sắm của sinh viên trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương. Một nghiên cứu định lượng được tiến hành và kết quả cho thấy có 6 nhân tố (1) tính hữu ích, (2) uy tín, (3) mong đợi giá cả, (4) chất lượng sản phẩm, (5) nhóm tham khảo, và (6) cảm nhận rủi ro, có ảnh hưởng đến ý định mua sắm trực tuyến trên trang thương mại điện tử của sinh viên trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương. Qua đó đưa ra những phương án nhằm hướng tới mục tiêu mua sắm một cách thông minh cho sinh viên.
  • Lê Thị Tú Anh, Dương Thùy Băng, Lê Thị Trúc Linh, Phan Thị Bình Minh, Phạm Thị Phương Thảo, Nguyễn Ngọc Trinh (Lớp D20M01A) - Sinh viên khoa Quản trị Các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động làm việc nhóm của sinh viên năm 3 thuộc Khoa Quản Trị và Khoa Dược - Trường Đại Học Kinh Tế - Kỹ Thuật Bình Dương
    Tóm tắt: Ngày nay, kỹ năng làm việc nhóm luôn được khuyến khích phát triển tại các trường đại học, cao đẳng nói chung và Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật nói riêng, vì vậy nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài “Các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động làm việc nhóm của sinh viên năm 3 thuộc Khoa Quản trị và Khoa Dược – Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương”. Nhóm tác giả dùng các phương pháp: tổng hợp, thống kê, phân tích, so sánh, định tính và định lượng để thực hiện nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu dựa trên 132 mẫu xác định được 05 yếu tố tác động đến hoạt động làm việc nhóm của sinh viên năm 3 thuộc Khoa Quản trị và Khoa Dược – Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương gồm: Thái độ của sinh viên; Tính cách cá nhân; Trình độ của nhóm trưởng; Môi trường làm việc nhóm; Hỗ trợ của giảng viên. Từ kết quả trên và dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của giảng viên Đặng Thị Bích Ngọc nhóm đề xuất một số kiến nghị nhằm giúp các giảng viên, các thành viên hoạt động trong công tác quản lí của Khoa và Nhà trường nắm rõ hơn các yếu tố tác động đến quá trình làm việc nhóm trong sinh viên, từ đó đưa ra những hỗ trợ cho sinh viên phù hợp với điều kiện của Nhà trường.
  • Huỳnh Thị Mộng Cầm – GV khoa Quản trị Các yếu tố tác động đến hành vi lựa chọn nơi làm việc của cựu sinh viên Trường Đại Học Công Nghệ Đồng Nai
    Tóm tắt: Lựa chọn nơi làm việc sau khi tốt nghiệp từ lâu đã trở thành mối quan tâm hàng đầu không chỉ của sinh viên mới tốt nghiệp mà nó còn là của các nhà nghiên cứu, xây dựng chiến lược thu hút lao động tại các địa phương. Kết quả phân tích dựa trên phương pháp xoay nhân tố cho thấy rằng gần 63% sinh viên (từ các tỉnh khác) có xu hướng ở lại Đồng Nai để làm việc. Kết quả được khảo sát trên 450 cựu sinh viên trường đại học Công nghệ Đồng Nai. Các yếu tố bao gồm: chính sách ưu đãi của địa phương, các mối quan hệ và tình cảm quê hương, năng lực bản thân, thu nhập và các khoản chi phí cho cuộc sống, môi trường làm việc là những nguyên nhân chính tác động đến quyết định chọn nơi làm việc của cựu sinh viên sau khi tốt nghiệp.
  • Dương Thị Ngọc Tuyền (Lớp D21Q01A) - Sinh viên khoa Quản trị Các nhân tố ảnh hưởng đến hành vi mua sắm online của sinh viên Trường Đại Học Kinh Tế - Kỹ Thuật Bình Dương trên trang thương mại điện tử Shopee
    Tóm tắt: Trong những năm gần đây, với tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin đã làm thay đổi đáng kể hành vi mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng Việt Nam đặc biệt là giới trẻ. Nghiên cứu này nhằm khám phá các nhân tố ảnh hưởng tới hành vi mua sắm trực tuyến của sinh viên. Bài viết phân tích 4 yếu tố ảnh hưởng bao gồm: Sự tin cậy, Nhận thức tính dễ sử dụng, Nhận thức sự hữu ích và Chất lượng dịch vụ tác động đến hành vi mua sắm online trường hợp đối với trang thương mại điện tử Shopee. Số liệu nghiên cứu được thu thập qua Google form từ 154 sinh viên đang học tại trường đại học Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương. Kết quả nghiên cứu cho thấy: Cả 4 yếu tố trên đều có tác động cùng chiều với hành vi mua sắm trực tuyến của sinh viên.